Ngân hàng thừa tiền trong két, cơ hội vay vốn giá rẻ cho người mua nhà, BĐS?
Ngân hàng đang ngồi trên đống tiền
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 8/2020, huy động vốn toàn hệ thống tăng gần 6,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 4,13%. Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 8 của Công ty Chứng khoán HSC cũng cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở mức dồi dào chưa từng có.
Các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động và lãi vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19
Sau 8 tháng đầu năm 2020, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã giảm tổng cộng 0,5-2,1 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi không có nhiều thay đổi trong tuần đầu tháng 9, phổ biến ở 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2-6%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5-6,7%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Dù lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm thời gian gần đây nhưng lượng tiền nhàn rỗi của người dân vẫn ùn ùn chảy vào kênh đầu tư này. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu thì các ngân hàng thời gian này như đang "ngồi trên đống tiền".
Theo ông, việc thanh khoản ngân hàng tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng giảm đáng kể và đang thấp hơn nhiều so với lãi suất điều hành của NHNN.
Bên cạnh đó, những chỉ đạo của Chính phủ với các ngân hàng về việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua những tác động xấu của dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động của ngân hàng được điều chỉnh giảm, bởi có giảm lãi suất huy động thì mới giảm được lãi suất cho vay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định từ nay đến cuối năm lãi suất huy động của nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm tiếp và đây cũng là xu thế chung với ngành ngân hàng.
Lý giải về việc tiền nhàn rỗi vẫn ùn ùn chảy vào các ngân hàng dù lãi suất thấp, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có một phần nguyên nhân từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị đình trệ. Bên cạnh đó, những kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản và ngoại tệ không còn hấp dẫn và có thể sinh lời cao ở thời điểm này.
Theo ông, việc vàng và chứng khoán lên xuống bấp bênh khiến các nhà đầu tư e ngại. Do đó, thay vì tham gia thị trường thì nhiều nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát. BĐS là ngành chịu tác động rất nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến cho thanh khoản trong ngành này giảm sâu. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng dù thấp nhưng vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất thời điểm này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc tiền nhàn rỗi ùn ùn chảy vào các ngân hàng không phải là một xu thế có thể tiếp tục duy trì trong phần còn lại của năm 2020. Theo ông, trong thời gian tới, nếu những kênh như vàng, chứng khoán có sự tăng tốc thì rất có thể nhiều người sẽ rút tiền ra để đầu tư.
Cơ hội vay vốn giá rẻ cho những người có nhu cầu mua nhà, BĐS
Trước nguồn tiền huy động dồi dào, nhiều ngân hàng đang tung ra những ưu đãi lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn mà đáp ứng những yêu cầu đặt ra. Với khách hàng cá nhân từ đầu tháng 8 vừa qua, hàng loạt các ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay mua nhà, mua xe, mua BĐS, cho vay tiêu dùng. Trong đó, Ngân hàng SHB dành hơn 3.000 tỷ đồng ưu đãi vay tiêu dùng với mức lãi suất vay mua nhà đất điều chỉnh từ 7,5%/ năm xuống mức chỉ từ 6,5%/ năm; lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm từ 7,7%/năm xuống mức lãi suất chỉ từ 6,8%/ năm.
Đây là cơ hội để người dân tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng để có thể tìm mua cho mình một nơi an cư - Ảnh Hoàng Duy
Nhóm lãi suất vay mua nhà trung bình thuộc về nhóm các ngân hàng trong nước như MB Bank, BIDV, VietcomBank, HSBC… mức lãi suất dao động từ 7,7-10%/năm cho những khoản vay từ 1 đến 3 năm đầu, tùy các ngân hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà và BĐS là cơ hội tốt để những người có nhu cầu ở thực tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ. Bên cạnh đó, thời điểm này nhiều chủ đầu tư cũng đã có sự điều chỉnh giảm giá bán tại các dự án của mình. “Dù giá nhà và BĐS không được điều chỉnh giảm sâu như nhiều người kỳ vọng, nhưng có thể nói đây vẫn là cơ hội tốt để những người có nhu cầu ở thực tìm cho mình một nơi an cư. Hiện nhiều ngân hàng cũng sẵn sàng cho người dân vay tới 70 đến 80% giá trị căn nhà hoặc BĐS cần mua”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến nghị, dù được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, nhận nhiều ưu đãi của ngân hàng cũng như các chủ đầu tư nhưng những người có ý định vay ngân hàng cũng cần chú ý đến khả năng trả nợ của mình. Theo ông, những người vay mua nhà, BĐS chỉ nên chi trả tối đa 50% tổng thu nhập hàng tháng cho khoản vay của mình. 50% còn lại là để dành cho các khoản chi tiêu, sinh hoạt và dự phòng cho gia đình.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia tài chính ngân hàng ngày cũng cho biết nếu như có tiền nhàn rỗi thì nên bỏ tiền của mình vào mua nhà, mua BĐS càng nhiều càng tốt, tỷ lệ vay ngân hàng chỉ từ 50% trở lại. Bởi nếu tỷ lệ vay ngân hàng càng thấp thì áp lực trả lãi và gốc với người vay sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Cùng với đó, những người vay thêm ngân hàng mua nhà, BĐS cần xác định nguồn thu nhập của mình là phải ổn định. Theo ông Hiếu, nếu nguồn thu nhập đó không ổn định có thể dẫn đến việc mất khả năng trả nợ, dẫn đến phải bán nhà để trả nợ hoặc tài sản bị ngân hàng thu hồi nhằm đảm bảo cho khoản vay.
Theo Trung Kiên (Dân Việt)