Khi nào giá nhà đất ở các thành phố lớn mới giảm?

Nhiều người cho rằng tư tưởng tích lũy nhà đất, mua nhà cho mình, sau đó cố gắng mua cho cả con cháu là nguyên nhân đẩy giá nhà đất tại các thành phố lớn ngày càng tăng cao. Chỉ khi nào giới trẻ không cần trụ lại các thành phố lớn mà về quê sống thì giá mới có thể ngừng leo thang.

Năm 2016, anh Hùng dự định mua một căn hộ dưới 1 tỷ đồng ở vùng ven Hà Nội. Số vốn hai vợ chồng có lúc đó khoảng 500 triệu đồng. Tìm kiếm cả tháng trời, dù đã đi xem một vài căn hộ ở Hà Đông nhưng hai vợ chồng vẫn không ưng ý nên tiếp tục ở nhà thuê. Trong thời gian tìm hiểu thêm, anh Hùng được một người bạn giới thiệu cơ hội đầu tư ở quê tại một dự án ở trung tâm huyện. Quê anh là đất buôn bán nên có những khu vực mặt đường lớn, giá thậm chí đắt ngang Hà Nội. Theo lời giới thiệu của bạn, có lô đất mặt tiền được đấu giá chỉ từ 500 triệu đồng/lô. Tìm hiểu kỹ mọi thông tin, anh Hùng quyết định vay thêm 150 triệu đồng để mua một lô đất có giá 650 triệu nằm gần trường học và bệnh viện. Sau 1 năm mua, dù có nhiều người trả giá 1 tỷ, thậm chí gấp đôi nhưng anh Hùng vẫn giữ lại mảnh đất này. Đến cuối năm 2019, anh quyết định bán sau khi có người trả giá 1,7 tỷ đồng. 

Thu về 1,7 tỷ đồng, anh Hùng bỏ ra 1 tỷ và vay thêm ngân hàng để mua một căn hộ 2 tỷ đồng trong trung tâm TP. Hà Nội. Với 700 triệu còn lại, anh dự định sẽ mang đi đầu tư để cố gắng mua thêm một căn nhà phố. “Mua được nhà cho mình rồi thì lại cố gắng mua thêm nhà để đó cho con. Ở chung cư thì tiện hơn nhưng lâu dài thì chẳng có gì bằng nhà mặt đất. Giá bất động sản ngày càng tăng, lượng người hàng năm đổ về các thành phố lớn để lập nghiệp cũng không hề giảm. Tôi nghĩ chỉ khi nào giới trẻ không cần trụ lại thành phố mà vẫn tìm được việc ở quê, có chất lượng cuộc sống tốt, đủ tiện nghi thì giá nhà đất tại thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mới thôi leo thang”, anh Hùng nói.


Giá nhà đất những năm qua tăng cao, vượt mức tăng thu nhập khiến nhiều người ngày càng khó mua nhà

Bên cạnh một lượng lớn những người đang cố gắng tiết kiệm, tích lũy từng đồng để mua cho mình một tổ ấm an cư lạc nghiệp như anh Hùng vài năm trước thì cũng có không ít người dù đã có nhà cũng vẫn tăm tia để mua thêm bất động sản làm “của để dành” cho con cháu hoặc làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.

NativeAd from Google

''Ở quê, hai vợ chồng kiếm 40 triệu/tháng thì có vẻ khó khăn nhưng ở thành phố thì dễ dàng hơn. Người người đổ về thành phố lập nghiệp nên đất chắc chắn sẽ ngày càng lên giá. Tôi tích góp mua đất để để lại cho đời con cháu để sau này chúng cũng bớt một phần gánh nặng. Nếu thu nhập của chúng sau này không cao thì có thể cho thuê nhà để có thêm một nguồn thu nhập'', anh Long - một người đang có dự định mua căn nhà thứ 2 chia sẻ.

Ngược với ý kiến của anh Hùng và anh Long, rất nhiều người cho rằng chính suy nghĩ ai cũng muốn tích trữ nhà đất, có một căn nhà lại muốn có nhà thứ hai trong khi nhiều người vẫn phải chật vật đi thuê là nguyên nhân đẩy giá đất lên cao. “Không bàn về giá nhà đất, tư tưởng mua nhà sẵn cho con không phải là thương con mà có thể làm thụt lùi ý chí của chúng. Thay vì mua nhà, bậc cha mẹ nên dành tiền để đầu tư chất xám cho con, đó mới chính là tài sản lớn nhất. Tôi nghĩ nên đánh thuế nặng ngôi nhà thứ hai để người thu nhập thấp có thể mua được nhà”, một người mua nhà khác bức xúc.

Giá nhà đất những năm gần đây tăng mạnh so với mức tăng thu nhập khiến nhiều người mua nhà ngày càng thêm lo lắng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.800 USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 7-8%. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com, bất động sản tăng quá nóng, đặc biệt là giai đoạn 2016-2018 khiến giá cả giao dịch vượt quá giá trị thật của tài sản. Với loại hình chung cư và nhà riêng, tính riêng trong năm 2019, giá bán tại TP.HCM tăng trung bình 12%, còn tại Hà Nội là khoảng 6%. Trong những giai đoạn xảy ra sốt đất, giá đất nền nhiều nơi tăng mạnh, có nơi tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. 

Trước đó, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho biết đã tiến hành một cuộc khảo sát về tốc độ tăng giá bất động sản trong chu kỳ 3 năm sốt đất và một thập niên gần đây. Kết quả cũng cho thấy trong 3 năm 2016-2018 khi cơn sốt đất lan rộng khắp cả nước, giá đất tăng thấp nhất 1,5-2 lần và cao nhất 3-4 lần. Do tốc độ kiếm tiền quá chậm so với các đợt tăng giá đất nên người dân không kịp tạo ra dòng tiền tích lũy để mua bất động sản. Trong 3 năm này, nếu người Việt chỉ tiết kiệm và đợi tăng thu nhập để mua nhà đất thì giấc mơ sở hữu bất động sản là không tưởng.

Nguồn: Theo Khánh Trang