Đà Nẵng nên xây mới hay phát triển cảng Liên Chiểu cũ?

Thông tin tại cuộc họp báo mới đây do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay, TP chưa có quyết định cuối cùng về việc đầu tư cảng Liên Chiểu (quận Liên Chiểu).

Vị trí dự kiến xây dựng cảng Liên Chiểu

Trong khi chỉ một thời gian ngắn trước đây, UBND TP Đà Nẵng đã thông tin, sẽ được Chính phủ giao đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình … 

Tiên Sa quá tải

NativeAd from Google

Báo cáo của Đà Nẵng thể hiện, TP này là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung. Tổng lượng hàng của cảng Đà Nẵng dự báo sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020, đạt khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. Lượng hàng này sẽ vượt mức năng lực của khu bến Tiên Sa (Sơn Trà) sau năm 2020 và đặc biệt vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô Đà Nẵng.

Thời gian gần đây, lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa qua một số tuyến đường nội đô của Đà Nẵng tăng cao, gây ùn tắc giao thông cục bộ, làm xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây chết người, đồng thời làm mất mỹ quan và an toàn đô thị...  Từ đó, Đà Nẵng cho rằng cần khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Sau khi có cảng Liên Chiểu sẽ sớm chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, chỉ tiếp nhận các tàu 5 sao cỡ lớn đến tham quan Đà Nẵng.

Phối cảnh cảng Liên Chiểu

Theo tính toán, dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư 32.860 tỷ, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ.

Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu đã được đưa vào Nghị quyết 43-NQ/TƯ ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030. Dự án cũng đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ KH&ĐT đã có kế hoạch đưa dự án này vào trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Mới đây, kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu, cảng biển Đà Nẵng phù hợp với Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014; là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), có khả năng đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung. Cảng biển Đà Nẵng gồm một số khu bến chính là Tiên Sa, Liên Chiểu.

Thực tế khu bến Tiên Sa chỉ đạt công suất khai thác khoảng 6 triệu tấn/năm, cần sớm nâng cấp khu bến cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển và phát triển kinh  tế - xã hội khu vực miền Trung và Đà Nẵng, dần thay thế cho cảng Tiên Sa.

Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT và UBND TP Đà Nẵng, trước mắt giao Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho rằng chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trở thành cơ sở quan trọng để Bộ KH&ĐT có căn cứ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Dự án, đồng thời Bộ GTVT hoàn thành Báo cáo thẩm định nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình Thủ tướng theo quy định.

HĐND TP Đà Nẵng vừa thông qua tờ trình báo cáo tiền khả thi cảng Liên Chiểu

Ý kiến trái chiều

Trong lúc các kế hoạch đang được nghiên cứu, thẩm định, dư luận bắt đầu ghi nhận nhiều ý kiến nêu “nên đầu tư cảng Liên Chiểu hoặc không đầu tư cảng Liên Chiểu mà chỉ tập trung vào cảng Tiên Sa”. “Vấn đề này vượt khỏi tầm của lãnh đạo Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy họp lấy ý kiến nhưng cũng chưa thông qua được.

Vì thế, Bí thư Thành ủy có giao cho Sở GTVT mời Bộ GTVT chủ trì một cuộc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia về các ý kiến của tư vấn nước ngoài để TP đưa ra lựa chọn cuối cùng”, ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết hôm 29/10. 

Theo tìm hiểu của PV, đơn vị tư vấn Singapore đề xuất không xây cảng Liên Chiểu vì cho rằng có nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái vịnh Đà Nẵng bởi hai luồng tàu ra vào cảng, ảnh hưởng cảnh quan vùng vịnh, cản trở tầm nhìn. 

Theo tư vấn, vịnh Đà Nẵng là tài nguyên, cơ hội lớn để tương lai phát triển các lĩnh vực khác. Cũng đơn vị tư vấn này cho rằng không cần thiết hình thành cùng lúc hai cảng Tiên Sa và Liên Chiểu bởi nền tảng về công nghiệp sản xuất của cả Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh, thành lân cận hiện rất mỏng. Thêm vào đó Huế, Quảng Nam cũng có cảng riêng, liệu họ có tiếp tục sử dụng cảng Đà Nẵng để vận chuyển hàng hóa?

Vì thế, tư vấn đề xuất mở rộng cảng hàng hóa Tiên Sa mà không phát triển cảng Liên Chiểu. Tư vấn đề nghị giải tỏa để khơi thông âu thuyền Thọ Quang nối qua sông Hàn; luồng tàu hàng vào âu thuyền Thọ Quang qua sông Hàn đi ra dưới cầu Thuận Phước.

Đồng thời, về giao thông đường bộ, sẽ không sử dụng đường Ngô Quyền để ra vào cảng Tiên Sa mà kết nối giao thông cảng vào đường cao tốc và tuyến đường sắt mới thông qua việc hình thành tuyến đường sắt và đường bộ trên cao đi vào khu vực đường Đống Đa (quận Hải Châu) nối vào đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê). 

Về vấn đề cảng du lịch tại cảng Tiên Sa, tư vấn đề nghị phân luồng tàu du lịch đi bên ngoài, tiếp cận đến cồn Mân Quang là bến tàu du lịch; sử dụng cầu Thuận Phước và đường Nguyễn Tất Thành để lưu thông du lịch.

Theo nguồn tin của PV, đề xuất nêu trên của tư vấn cũng nhận lại nhiều ý kiến không đồng tình. Trong báo cáo của UBND TP Đà Nẵng cho rằng, tư vấn chưa phân tích rõ tính khả thi của phương án kết nối giao thông từ cảng Tiên Sa vào cao tốc và đường sắt mới cũng như khả năng về nguồn vốn để thực hiện việc mở rộng khu hậu cần cảng cho cảng Tiên Sa (kinh phí di dời, đến bù giải tỏa, tái định cư, xây dựng hạ tầng giao thông…) và phương án phát triển du lịch, hạ tầng cảng du lịch trong trường hợp phát triển cảng Tiên Sa trở thành cảng hàng hóa.

Cũng theo UBND Đà Nẵng, ngoài tính cấp thiết đã nêu trong lý do cần đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa có diện tích nhỏ, không thể mở rộng, không có nơi bố trí hậu phương cảng; không thể phát triển cùng lúc cả hai lĩnh vực hàng hóa và du lịch và quốc phòng tại cùng một nơi. 

Hơn nữa âu thuyền Thọ Quang hiện là cảng cá, nơi neo đậu hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng và miền Trung. Nếu thực hiện phương án “giải tỏa để khơi thông âu thuyền Thọ Quang nối qua sông Hàn; tàu hàng vào Âu thuyền Thọ Quang qua sông Hàn đi ra dưới cầu Thuận Phước”, phải tính đến chính sách với ngư dân.

Đặc biệt, UBND Đà Nẵng lưu ý, việc tổ chức giao thông kết nối với cảng Tiên Sa bằng tuyến đường sắt, đường bộ trên cao qua trung tâm Đà Nẵng như đề xuất của tư vấn sẽ tác động trực tiếp đến du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng.

 


Theo Vũ Vân Anh - baophapluat.vn